Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

DI TÍCH LỊCH SỬ: ĐỊA ĐIỂM BAN TUYÊN HUẤN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG Ở VÀ LÀM VIỆC TẠI ĐÌNH VĂN GIÁP VÀ CHÙA KHÔI KỲ

2024-10-28 08:42:00.0

DI TÍCH LỊCH SỬ: ĐỊA ĐIỂM BAN TUYÊN HUẤN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG Ở VÀ LÀM VIỆC TẠI ĐÌNH VĂN GIÁP VÀ CHÙA KHÔI KỲ

Đình Văn Giáp và chùa Khôi Kỳ có địa điểm tại xóm Gốc Quéo, xã Khôi Kỳ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Từ trung tâm thành phố Thái Nguyên theo Quốc lộ 3 đến ngã ba Bờ Đậu (9 km) rẽ trái đi huyện Đại Từ rẽ trái vào UBND xã Khôi Kỳ (2,7 km) là tới địa điểm di tích đình Văn Giáp, chùa Khôi Kỳ.

Căn cứ vào các tài liệu khoa học, các hiện vật tìm được tại di tích gắn với các sự kiện lịch sử trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1954), di tích địa điểm Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng ở và làm việc tại đình Văn Giáp và chùa Khôi Kỳ thuộc loại hình di tích lịch sử.

Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp vùng đất phía Bắc huyện Đại Từ, trong đó có xã Khôi Kỳ được Đảng và Nhà nước chọn làm An toàn khu của Trung ương Đảng và Chính phủ ở và làm việc.

Địa điểm đình Văn Giáp, chùa Khôi Kỳ là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử: nơi đóng chân của Trung đoàn Thủ đô (1947) có đồng chí Võ Nguyên Giáp về thăm; là nơi ở và làm việc của Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng (từ tháng 8 - 12 năm 1954), ngày 20 tháng 9 năm 1954 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm và làm việc với Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng.

Đình Văn Giáp cũng là nơi hội họp, bàn việc làng, việc nước của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương. Những sự kiện lịch sử diễn ra tại đình Văn Giáp đã được đề cập trong cuốn Địa chí Thái Nguyên tuy chưa đầy đủ nhưng nó đã được ghi lại trong tâm khảm, ký ức của mỗi người dân xã Khôi Kỳ; đặc biệt các sự kiện đã được ghi lại trong cuốn sách Lịch sử Đảng bộ xã Khôi Kỳ. Cán bộ và nhân dân các dân tộc xã Khôi Kỳ, huyện Đại Từ đã được Chính phủ công nhận là 1 trong 21 xã thuộc vùng ATK trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm năm 1954.

Đình Văn Giáp xưa thờ 2 vị thần là Cao Sơn và Quý Minh là thuộc tướng đã có công giúp vua Hùng Vương thứ XVIII đánh giặc Thục bảo vệ đất nước. Hiện nay tại địa phương vẫn còn lưu giữ được bản thần tích cổ bằng chữ Hán nôm được sao lại vào năm 1947 có tên là Hùng Duệ vương triều công thần nhị vị phả lục cổ tích cấu chi thượng đẳng thần (Bản thần tích về 2 vị công thần triều Hùng Duệ vương được phong là Thượng đẳng thần). Nội dung kể lại sự tích công lao của 2 vị công thần là Cao Sơn, Quý Mình đã có công đánh giặc Thục bảo vệ nhà Hùng Vương và các đời vua đều có sắc phong tặng. Cuối triều nhà Nguyễn có 2 đạo sắc phong vào năm vua Duy Tân năm thứ 3 (1910); Khải Định năm thứ 9 (1924) phong cho Khôi Kỳ thờ 2 vị thần làm thành hoàng. Tài liệu này cũng trùng khớp với tài liệu Thần tích, thần sắc làng Khôi Kỳ do các chức sắc ở địa phương kê khai ngày 30 tháng 4 năm 1938 đang lưu bản gốc tại Viện Thông tin Khoa học Xã hội Hà Nội.

Địa điểm đình Văn Giáp, chùa Khôi Kỳ là những di tích gồm 2 công trình tín ngưỡng của địa phương đã từng một thời là nơi diễn ra những sự kiện lịch sử gắn với sự ra đời và phát triển của Đảng bộ, chính quyền nhân dân xã Khôi Kỳ. Qua những bằng chứng tìm lại được như các mảnh bát hương, quả chuông đồng cổ, 67 đồng tiền cổ … tại di tích cho thấy đây là một quần thể đình trước, chùa sau có từ xa xưa là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân địa phương thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của nhân dân địa phương.

Chùa Khôi Kỳ có lễ hội vào ngày 7 tháng Giêng âm lịch gọi là Hội làng truyền thống. Bên cạnh đó, hàng tháng vào ngày mùng 1, ngày rằm nhân dân địa phương, thập phương đến lễ Phật trở thành nề nếp sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của địa phương.

Hiện nay di tích chỉ có địa điểm, nhưng tại đây đã phát hiện được khá nhiều hiện vật liên quan đến di tích: đồng tiền cổ, chuông đồng, trống đồng, chân kê đá tảng hình vuông, các mảnh vỡ bát hương, …

Đình Văn Giáp, chùa Khôi Kỳ là nơi sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng là nơi thờ vị anh hùng dân tộc là Cao Sơn, Quý Minh thời Hùng Vương, chùa thờ Phật là công trình tín ngưỡng có ý nghĩa sâu sắc về giáo dục truyền thống đạo lý con người, là quần thể di tích có giá trị văn hoá, khoa học, thẩm mỹ phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hoá của nhân dân.

Toàn bộ khu di tích đình, chùa Khôi Kỳ có tổng diện tích 745 m2 và toàn bộ đã được khoanh vùng chỉ giới khu vực bảo vệ di tích (có trích lục Bản đồ và Biên bản khoanh vùng bảo vệ di tích kèm theo).

Căn cứ giá trị lịch sử của di tích địa điểm đình Văn Giáp, chùa Khôi Kỳ gắn với các sự kiện diễn ra tại di tích trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên lập hồ khoa học đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh.

công chức văn hoá-xh
UBND xã Khôi Kỳ

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 389890