Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

DI TÍCH LỊCH SỬ: NƠI Ở VÀ LÀM VIỆC CỦA ĐỒNG CHÍ TÔN ĐỨC THẮNG, XÃ KHÔI KỲ, HUYỆN ĐẠI TỪ, TỈNH THÁI NGUYÊN

2024-11-04 08:50:00.0

Di tích nơi ở và làm việc của đồng chí Tôn Đức Thắng xã Khôi Kỳ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên nằm tại xã Khôi Kỳ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên hiện nay là chỉ còn là dấu tích nền nhà trên vườn chè nhà ông Lương Đình Tô. Từ Hà Nội đến trung tâm thành phố Thái Nguyên theo Quốc lộ 3 khoảng 10km đến ngã ba Bờ Đậu rẽ trái theo Quốc lộ 37 đến trung tâm huyện Đại Từ, rẽ trái vào đường Đại Từ đi Mỹ Yên 3km tới trung tâm xã Khôi Kỳ, đi tiếp 1km đến di tích thuộc xóm Phú Nghĩa. Phương tiện di chuyển có thể là ô tô, xe máy, xe đạp đều thuận tiện. Di tích nơi ở và làm việc của đồng chí Tôn Đức Thắng xã Khôi Kỳ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên thuộc loại hình Di tích lịch sử. Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946) các cơ quan của Trung ương rời Hà Nội lên ATK (An toàn khu) Định Hoá, đồng chí Tôn Đức Thắng đã cùng Trung ương Đảng, Quốc hội, Mặt trận, Chính Phủ rời Hà Nội lên Chiến khu Việt Bắc để bảo toàn lực lượng, lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Nhân dân Thái Nguyên nhận thức rõ vinh dự, tự hào và trách nhiệm của Thủ đô kháng chiến, đã làm hết sức mình để giúp đỡ, chở che, đùm bọc, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các cơ quan Trung ương, trong đó có Ban Thường trực Quốc hội và Mặt trận Liên Việt là nơi đồng chí Tôn Đức Thắng trực tiếp lãnh đạo. Với nhiều trọng trách của mình, đồng chi Tôn Đức Thắng có mối gắn bó đặc biệt với Chiến khu Việt Bắc - Thái Nguyên, với đồng bào các dân tộc Thái Nguyên. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1946- 1954) đồng chí Tôn Đức Thắng đã ở và làm việc nhiều nơi trên vùng đất ATK Thái Nguyên như: Điềm Mặc, Sơn phú - Định Hoá, Trảng Xã - Võ Nhai, Hoàng Nông, Khôi Kỳ - Đại Từ, . . Vào khoảng tháng 3 năm 1950, tại ngôi nhà sản của ông Dương Văn Cường sinh năm 1921, dân tộc Tày thuộc xóm Phú Nghĩa, xã Tiên Sơn, tổng Tiên Sơn nay là xóm Phú Nghĩa, xã Khôi Kỳ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên vinh dự được đón tiếp đồng chí Tôn Đức Thắng về ở và làm việc tại đây. Đây là địa điểm khá hẻo lánh của một xã miền núi, cách xa đường cái, dân cư thưa thớt, là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Tày, Nùng và Kinh, là cơ sở cách mạng có những người dân được giác ngộ rất tốt. Trong thời gian ở và làm việc tại xã Khôi Kỳ đồng chí Tôn Đức Thắng đã tổ chức các cuộc họp quan trọng. Các cuộc họp này thường diễn ra tại đình Phú Nghĩa. Đình Phú Nghĩa không chỉ là nơi làm việc của đồng chí Tôn Đức Thắng mà còn là nơi đóng quân của các đơn vị bộ đội tạm thời trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Những sự kiện lịch sử diễn ra tại di tích nơi ở và làm việc của đồng chí Tôn Đức Thắng và địa điểm Đình Phú Nghĩa năm 1948, xã Khôi Kỳ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên góp phần vào việc giành thắng lợi "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” (07/5/1954) kết thúc chiến tranh chống thực dân Pháp xâm lược, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Di tích Nơi ở và làm việc của đồng chí Tôn Đức Thắng năm 1950 xóm Phú Nghĩa, xã Khôi Kỳ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên trước đây là một căn nhà sản ẩn trong tán cây rừng, nhà sản được làm bằng gỗ, tre nứa, cột gỗ lim to, mái lợp lá cọ, vách che bằng phên nứa, sản nhà bằng tre mai bổ nhỏ, nhà được chia thành hai gian, gian ngoài là nơi làm việc và tiếp khách, gian trong được chia làm 2 buồng nhỏ, là nơi nghỉ ngơi của gia đình và của đồng chí Tôn Đức Thắng, gian buồng của đồng chí Tôn Đức Thắng ở rộng khoảng 20m, nhà sản có 9 bậc cầu thang lên xuống làm bằng gỗ. Các cấu kiện cột, xả, kèo đều bằng gỗ. Đây là ngôi nhà sàn rộng, khá bề thế vào thời kỳ đó. Địa điểm Đình Phú Nghĩa nằm trọn trên một quả đồi thuộc xóm Phú Nghĩa, xã Khôi Kỳ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Trước năm 1945, Đinh Phú Nghĩa được đặt tại vị trí nhà văn hóa xóm Phú Nghĩa hiện nay, đình làm bằng gỗ, tranh, tre; nứa, lá, lợp cọ, diện tích khoảng trên 100m... có bàn ghế làm bằng cây vầu chôn cố định. Đình Phú Nghĩa lợp bằng lá cọ. Trước cửa đình có một cây đa to luôn tỏa bóng mát, vào năm 1946 đình bị cháy hoàn toàn và nhân dân trong xóm đã công đức nguyên vật liệu để xây dựng đình mới, cách vị trí cũ 300 mét. Tại ngôi đình mới đồng chí Tôn Đức Thắng thường xuyên làm việc dây. Di tích nơi ở và làm việc của đồng chí Tôn Đức Thắng và địa điểm Đình Phú Nghĩa có giá trị lịch sử lưu niệm sự kiện. Di tích có ý nghĩa hết sức quan trọng trong lịch sử kháng chiến của dân tộc ta, đó tấm gương đồng chí Tôn Đức Thắng trong việc giáo dục nhân cách con người cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Cùng với thời gian, do tác động của thiên nhiên cũng như con người nên di tích đã bị hư hại nhiều. Ngồi nhà sàn nơi ở và làm việc của đồng chí Tôn Đức Thắng năm 1948 là ngôi nhà sàn được làm bằng tre, nứa, lá, gỗ nên đã mục nát. Dấu tích nền đình Phú Nghĩa và dấu tích hầm đào cũng không còn nguyên vẹn. Nhờ ý thức bảo vệ di tích từ lâu của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương nên di tích đến nay không bị phá hoại và xâm lấn. Đối với dân tộc Việt Nam, sau Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Tôn Đức Thắng là người con ưu tú của đất nước. Tấm gương và sự hy sinh của Bác Tôn Đức Thắng còn toả sáng mãi trong các thế hệ Việt Nam. Di tích nơi ở và làm việc của đồng chí Tôn Đức Thắng và địa điểm Đình Phú Nghĩa, xã Khôi Kỳ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên cùng với hình ảnh đạo đức của Bác Tôn sẽ tỏa sáng, trường tồn và sống mãi trong lòng nhân dân Thái Nguyên nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung.
công chức văn hoá-xh
UBND xã Khôi Kỳ

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 389883