Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

TUYÊN TRUYỀN NGÀY QUỐC TẾ HẠNH PHÚC

2023-03-20 08:06:00.0

Từ năm 2012, Liên Hợp Quốc đã chọn ngày 20/3 hằng năm là “Ngày Quốc tế Hạnh phúc” nhằm tăng nhận thức của dư luận thế giới trong việc công nhận hạnh phúc là một trong những chỉ tiêu phát triển toàn cầu. Năm 2014, lần đầu tiên Việt nam tổ chức kỷ niệm Ngày quốc tế hạnh phúc 20/3. Đây không chỉ là hoạt động hưởng ứng với Liên Hợp Quốc mà còn mang ý nghĩa nhân văn: tất cả mọi hoạt động chính trị xã hội ở đất nước ta suy cho cùng cũng điều hướng tới hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà.

Chủ đề ngày hạnh phúc là “yêu thương và chia sẻ”. Dù là một đất nước còn nghèo nhưng Việt Nam lại là đất nước hết sức quan tâm đến hạnh phúc. Điều này được minh chứng qua báo cáo về mức độ hạnh phúc thế giới 2013 do Viện Trái đất, Đại học Columbia (Mỹ) công bố. Theo đó, dựa trên những chỉ số về mức thu nhập, sự tự do và tuổi thọ, người Việt Nam được đánh giá là có cuộc sống hạnh phúc hơn nhiều nước Đông Nam Á và xếp thứ 63 trên thế giới. Không chỉ có vậy! Theo xếp hạng của Quỹ Kinh tế mới tại Anh thì Việt Nam đứng thứ nhì trong chỉ số hành tinh hạnh phúc. Trước công bố về chỉ số hạnh phúc mà quốc tế dành cho Việt Nam, chúng ta không khỏi tự hào và hãnh diện. Tuy nhiên, bên cạnh sự tự hào thì cũng có không ít người hoài nghi về tiêu chí và cách tính toán xếp hạng chỉ số hạnh phúc.

Làm sao Việt Nam, một nước vẫn còn nghèo lại có chỉ số hạnh phúc cao hơn nhiều nước Đông Nam Á? Phải chăng với dân ta quá dễ dãi và chỉ cần đi xe máy, ăn cơm no là đã hài lòng, đã là hạnh phúc và hạnh phúc đơn sơ liệu có bền vững hay không? Không thể trách những người có quan điểm trái chiều, bởi, rõ ràng kinh tế Việt Nam vẫn còn kém phát triển so với nhiều nước trong khu vực, đời sống người dân còn thấp, chất lượng cuộc sống hiển nhiên cũng vì thế chưa cao. Song, thiết nghĩ, nếu tiêu chí của hạnh phúc là giàu sang, danh vọng, sức khỏe, sắc đẹp, địa vị, uy thế, quyền lực… thì xem ra như vậy là quá cầu toàn, cực đoan thậm chí thực dụng.

Trong chừng mực nào đó, ngoài vật chất thì Hạnh phúc còn đến từ yếu tố tinh thần. Đó là tình yêu thương, sự sẻ chia, lý tưởng, hoài bão... Một đất nước bị xâm lược, sau khi giành độc lập, tự do thì hiển nhiên là hạnh phúc quá đi chứ! Một mảnh đời bất hạnh được xã hội chia sẻ, trân trọng cũng đủ gọi là hạnh phúc. Một hoài bão đạt được bằng chính ý chí và nỗ lực tự thân cũng đã là hạnh phúc rồi. Ở nước ta, Hạnh phúc không phải là gì đó quá trừu tượng, cao xa và cũng không là chuyện thực dụng giàu nghèo. Đâu phải giàu, đâu phải đầy đủ mới là hạnh phúc! Hàng chục ngàn hộ nghèo, bằng sự quan tâm của các cấp chính quyền, của cộng đồng luôn chung tay giúp đỡ, sát cánh và giúp họ chiếc cần câu cơm - tạo bàn đạp để họ vươn lên thoát khỏi nghèo khó. Như vậy cũng đủ hạnh phúc! Tuy còn nghèo nhưng con cái nhiều gia đình được đến trường như bao bạn bè; người nhà ốm đau đến bệnh viện được miễn giảm viện phí, thậm chí được hỗ trợ cả suất ăn… điều đó chính là hạnh phúc.

Đừng nghĩ Hạnh phúc là cái gì đó lớn lao mà bản thân chúng ta không thể đạt tới. Hạnh phúc - đôi lúc chỉ đơn giản là sự hòa nhịp giữa lợi ích cá nhân với lợi ích cộng đồng. Hạnh phúc cũng có nghĩa là được sống trong một môi trường sống tốt. Môi trường sống ấy là điều kiện kinh tế, điều kiện xã hội, điều kiện tự nhiên mưa thuận gió hòa. Vì vậy, muốn mưu cầu hạnh phúc cho bản thân thì không nên quá ỷ lại vào sự quan tâm của Nhà nước, của xã hội mà mỗi cá nhân cũng phải chung tay giữ gìn vun đắp.

Ai cũng biết Mỹ và nhiều nước phương Tây là những nước giàu, thậm chí rất giàu, thu nhập đầu người rất cao, vậy nhưng, Ngày Quốc tế Hạnh phúc không bắt nguồn từ những cường quốc kinh tế nói trên, mà lại từ đất nước Bhutan, một vương quốc bé nhỏ nằm sâu trong lục địa miền Đông dãy Himalaya. Sở dĩ Bhutan có chỉ số hạnh phúc cao nhất bởi nước này tập trung vào bốn trụ cột đó là môi trường xã hội, văn hóa, quản lý nhà nước và phát triển kinh tế-xã hội. Một đất nước có sự kết hợp của các chính sách giúp người dân sống khỏe hơn, vui hơn, có thể tận hưởng được hương vị của cuộc sống, con người được chung sống thân thiện, gần gũi với môi trường.

Việt Nam đã có chỉ số hạnh phúc khá cao trên thế giới, nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, thiết nghĩ việc làm thiết thực nhất với mỗi chúng ta chính là tiếp tục kết nối yêu thương. Hãy tin là có sẻ chia và vun đắp yêu thương thì hạnh phúc của mỗi người, mỗi nhà mới thêm bền vững.

T/h: Trương Loan
văn hóa thông tin

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 384828